Họ Châu 朱 hay còn gọi là họ Chu tại Việt Nam không nằm trong top 14 họ lớn. Theo thống kê của Cục thống kê quốc gia thì họ Châu/Chu 朱 là một trong những họ chiếm tỷ lệ thấp của Việt Nam. Có hai họ Chu/ Châu, tuy nhiên Chu/Châu 朱 và Chu/Châu 周 là hai họ hoàn toàn khác nhau, từ cách viết, phát âm đến ý nghĩa. Đến nay vẫn chưa có tài liệu chính thống nào khẳng định họ Châu 朱 tại Việt Nam có xuất xứ từ đâu! Bởi lẽ có đến 4 dân tộc gồm Việt Nam, Trung Quốc, Hàn quốc và Đài Loan đều có họ Chu/Châu 朱 Theo quan niệm dân gian thì họ Châu tại Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc từ lâu đời có thể là từ đời nhà Minh (Chu Nguyên Chương tức vua Minh Thái Tổ nhà Minh). Tới năm 1662, Nhà Minh bị người Mãn Thanh đánh bại, và những hy vọng cuối cùng cho sự hồi phục của nhà Minh mất đi cùng với vị vua Vĩnh Lịch Chu Do Lang. Có thể trong thời kỳ lịch sử này người họ Chu/Châu 朱 du nhập vào Việt Nam bằng những con đường sau đây : 1- Là những thương khách (người mua bán) 2- Chạy loạn giặc Nguyên (Mông Cổ) 3- Là thành phần phản Thanh phục Minh bị thất bại (lưu vong) Định cư lâu dần đồng hóa thành người Việt kể từ ấy Tuy nhiên, theo sử liệu Việt Nam thì vào thời kỳ nhà Hán xâm chiếm nước ta đã có người Việt (Giao Chỉ) họ Chu/Châu 朱 : – Chu Đạt (? – 160) là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa tại Cửu Chân chống ách thống trị nhà Đông Hán. (…Sau khi đàn áp được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nhà Hán tăng cường áp bức bóc lột người Việt. Năm 157, Chu Đạt đứng lên kêu gọi nhân dân nổi dậy giết viên huyện lệnh Cư Phong. Nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, ông cho đánh huyện Cửu Chân và giết thái thú Nghê Thức, giải phóng huyện Cửu Chân…) –
Theo tác giả Hoàng Yến trong cuốn “Người học trò áo xanh” xuất bản tháng 1 năm 1996 có đoạn viết: Một giáo sư sử học đã tìm ra gia phả của ông Chu Văn An. Theo gia phả này thì bố của ông Chu Văn An là ông Chu Văn Hưng, là một khách thương người Phúc Kiến – Trung Quốc, chạy loạn giặc Nguyên (Mông Cổ) sang định cư ở xứ Đông Huyện Chí Linh rồi kết hôn với bà Lê Thị Chiêm, sinh ra ông Chu/Châu Văn An; Ông Chu Văn An sinh năm 1292 tự là “Linh Triệt”, hiệu là “Tiểu Ẩn”, tên thụy là “Văn Trinh”. (Nhâm Thìn) tại làng Thánh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Ông Chu Văn An1292 – 1370
– Một trang gia phả của họ Chu/Châu 朱 trong thư viện Quốc gia của dòng họ Chu /Châu ở xã Phù Lưu huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh. Thì vị Tổ của phái họ Chu/Châu này có tên là Chu Chí Thiên, triều nhà Mạc (1527 – 1592)
một trang gia phả của phái họ Chu/Châu ở xã Phù Lưu huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh.
Họ Châu vào miền Trung và miền Nam nhều nhất ở 2 thời kỳ: 1- Vào đàng trong (miền Trung) thời kỳ Chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613). Ở thế kỷ 16 – 17, đất Bình Định thuộc tỉnh Quảng Nam do Chúa Nguyễn Hoàng trấn giữ. Chúa đánh chiếm đất Chiêm Thành lập ra 2 phủ lớn là Quy Nhơn và Phú Yên. Chúa tiến hành đưa các quan vào tiếp quản và đưa dân vào khai hoang lập làng định cư, lấy địa danh là làng Hưng Thạnh thuộc tổng Chánh Lộc, phủ Hoài Nhơn (nay là làng Hưng Định, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). 24 họ tộc trước đây đã có công khai hoang lập làng, trong đó có họ Châu. 2- Vào đàng trong (miền Nam) thời kỳ Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687). Năm 1679, các tướng của Nhà Minh thua trận đem 3.000 quân và 50 chiến thuyền xin thần phục Chúa Nguyễn Phúc Tần, Chúa tiếp nhận cho khai khẩn đất Chân Lạp và yêu cầu vua Nặc Nộn chia đất cho quân Nhà Minh trú đóng ở cửa biển Mỹ Tho. Vì thế họ Châu ở miền Nam cũng rất phổ biến.
Một thông tin khác mới đây do ông Bùi Đức Tấn (thành viên trong Ban liên lạc Cộng đồng họ Bùi Việt Nam) cung cấp, thì họ Châu đã xuất hiện ở Việt Nam từ thời Vua Hùng Vương thứ 6 (1718 – 1631 TCN), qua một vị Đại Vương họ Châu tên húy là Uyên, chức Đô Thống. (…Vào đời Hùng Vương thứ 6, khi giặc Ân xâm lược nước ta, kéo quân vào chiếm đất Châu Sơn thuộc bộ Vũ Ninh. Châu Đô Thống, thống lĩnh đại quân cùng với Phù Đổng Thiên Vương đi đánh giặc Ân. Sau khi giặc tan Châu Đô Thống thu quân về đóng tại làng Lệ Chi Nam để dẹp nốt bọn nổi loạn quanh vùng. Nhưng mới vài ngày, Châu Đô Thống bị bệnh rồi mất đột ngột. Xét công lao của vị tướng tài, có nhiều công đánh giặc giữ nước trên đất Châu Sơn, vua Hùng phong cho ông chức Tam Giang Đại Vương, hiệu Châu Đô Thống, cấp đất làm lộc điền, được phối hưởng hai bên tả hữu đền thờ Phù Đổng Thiên Vương…) Theo ông Bùi Đức Tấn, bản Thần tích Thần sắc của thôn Nam làng Lệ Chi, Tổng Cổ Giang huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh, do Viện Thông tin khoa học xã hội lứu trữ và bản dịch tài liệu tại Viện Hán Nôm của thôn Nam xã Lệ Chi huyện Gia Lâm – Hà Nội có 2 phàn: Phần 1 dịch văn bia, phần 2 bản dịch Thần tích Thần sắc và các văn bản dịch Thần tích Thần sắc của 2 cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật có tên là Nguyễn Văn Nghi và Nguyễn Doãn Minh cùng 2 cán bộ viện Hán Nôm có tên là Phạm Văn Tuấn và Trần Trọng Dương dịch, đều cho thấy một vị Đô Thống họ Châu thời vua Hùng Thứ 6 đã cùng với Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân. Châu Đô Thống được phong Thánh và được dân làng Lệ Chi Nam xã Phù Đổng huyện Gia Lâm – Hà Nội lập đền thờ tôn là đệ nhất Thành Hoàng làng. Theo văn bản trả lời ông Bùi Đức Tấn đề ngày 25 tháng 6 năm 2012 tại Hà Nội của Báo Nhân Dân cuối tuần cũng xác nhận thông tin của ông Bùi Đức tấn là rất có giá trị. Tuy nhiên quan điểm của Châu Tộc Việt Nam mặc dù rất nóng lòng tìm được cội nguồn dòng tộc, Ngài Châu Đô Thống cũng có thể là một trong những vị Cao Cao Tổ của họ Châu/Chu. Dù rất vui mừng khi được thông tin này từ ông Bùi Đức Tấn nhưng chúng tôi còn cần phải xác minh xem bảng chữ Hán của Thần tích Thần sắc có phải Ngài Đô Thống họ Châu có cùng chữ Châu/Chu 朱 của họ mình không, Chúng tôi không thể vội vàng nhận vơ khi thấy ông là một vị Thánh được nhân dân hết mực tôn kính.
Trong các bài báo đăng trên tờ Nhân Dân Chủ nhật số 19 (06-05-2012) và trên 2 tờ báo điện tử khác là Giáo dụcThời Đại ngày 30/04/2012. – Người Hà Nội ngày 27/04/2012 – đều đăng tải bài viết về Lễ hội Phù Gióng ở Lệ Chi Nam – Gia Lâm – Hà Nội được tổ chức hôm 29/4/2012 (tức mùng 9 tháng 4 âm lịch năm Nhâm Thìn). Trong các bài viết đều mô tả dân làng Lệ Chi Nam xin phép thần linh đi rước chân nhang bên Nghè (nơi thờ Tướng quân Châu Đô Thống – vị Thánh đã có công cùng với Thánh Gióng đánh tan và tiểu trừ giặc Ân, được phối hưởng thờ bên Phù Đổng Thiên Vương tại khu di tích lịch sử Phù Đổng -Gia Lâm – Hà Nội.
Các bậc cao niên trong làng trịnh trọng làm lễ Táo trạch trước đình Lệ Chi Nam, để xin phép thần linh đi rước chân nhang bên Nghè (nơi thờ Tướng quân Châu Đô Thống – người có công giúp Thánh Gióng đại phá giặc Ân).
Hình tượng Tướng quân Châu Đô Thống cùng quân sĩ trên đường trở về báo tin thắng trận lên Phù Đổng Thiên Vương.
Trên bản dịch Thần Tích -Thần Sắc của Viện Khoa học Xã Hội và Nhân Văn cũng dịch là Châu Đô Thống. Văn bản Thần Tích Thần Sắc của Viện Thông Tin Khoa học Xã hội mang mã số TT – TS FQ 40 18/ LV, 58, trong phần hỏi và trả lời cũng ghi là Châu Đô Thống
Trong khi nguyên bản chữ Hán tại nơi thờ Ngài Đại Vương này thì viết chữ : Trâu Đô Thống (chữ Trâu ở đây theo tự điển Hán Việt thì đó là một địa danh của Trung Quốc thời nước Lỗ, không phải là họ)
Chữ này được viết lại ở hàng thứ 5, chữ thứ 11 từ phải qua kế đó là chữ sơn, trong bản dịch thì đây là chữ Châu Sơn tên một địa danh của Tổng Cổ Giang xưa. Như vậy có thể là do viết nhầm từ người đọc ngọng nên chữ Châu Đô Thống đọc thành Trâu Đô Thống và Châu Sơn lại đọc là Trâu Sơn. (người viết viết theo phát âm dẫn tới sai lệch)
Bản Thần Tích-Thần săc nguyên bản chữ Hán, chữ Trâu là chữ thứ 4 từ trái qua, dòng thứ 1
2 chữ này đều là họ Châu hiện có tại Việt Nam
Tuy nhiên việc xác minh cần phải có thời gian và tư liệu chính xác.
Hiện nay, trên khắp vùng miền cả nước, tập trung nhiều nhất ở cánh miền Trung từ Quảng Nam trở vào Bình Định, Phú Yên và Tây Nguyên có rất nhiều từ đường họ Châu/Chu 朱 Tuy nhiên ở mỗi từ đường đều lưu giữ bộ gia phả riêng cho hệ phái của mình.
Cho đến nay vẫn chưa có ai đứng ra tập hợp các tư liệu riêng lẻ này để tìm ra các mối liên hệ giữ các phái với nhau. Căn cứ theo niên đại thì bộ gia phả cùng với 7 sắc phong từ Hậu Lê đến Thiệu Trị, của Ông Châu Văn Tịnh là tổ đời thứ 6 của phái họ Châu tại Cát Hưng Phù Cát là lâu đời nhất. Ở dòng phái họ Châu/Chu 朱 này cũng gọi ông Chu Văn An là Sơ Tổ. Chúng tôi rất cần những thông tin tương tự của phái họ Châu tại Cát Hưng, Phù Cát , Bình Định để hệ thống, xâu chuỗi lại sự hình thành và phát triển của họ Châu/Chu 朱 tại Việt Nam qua nhiều thời kỳ lịch sử. Từ đó những người đồng tộc sé sớm nhận ra nhau và quy về một mối.
Sài Gòn, ngày 29 tháng 07 năm 2012
Châu Minh Hay
Share this:
Thích bài này:
Thích Đang tải…