Cậu bé Do Thái và những lá bài của ông nội
Ít người biết David Copperfield là nghệ danh của David Seth Kotkin. Sinh năm 1956 trong gia đình Do Thái nhập cư Mỹ, thơ ấu của Copperfield có ngày tháng đến giáo đường học kinh Torah. Những khi lớp học khiến cậu bé Copperfield 4 tuổi cảm thấy nhàm chán, ông nội là người giúp cậu tiêu khiển bằng trò ảo thuật với bộ bài tây. Đó là lúc một thế giới phép màu mở ra trước mắt đứa bé. Cuốn hút bởi bí ẩn đằng sau những lá bài, Copperfield đòi ông mình làm đi làm lại và nhanh chóng bắt chước theo.
Những người viết tiểu sử kể rằng ảo thuật gia lừng danh có trí nhớ tuyệt vời từ khi còn nhỏ, có thể lặp lại tất cả mánh khóe với bộ bài của người ông.
Không chỉ có ông nội, thiên tài này còn học từ những cuốn sách. Cậu bé Do Thái sớm biết nghiền ngẫm chồng sách thư viện về ảo thuật theo cách riêng. Copperfield luôn tự tìm ra phương pháp thực hiện các thử thách trước khi lật mở đáp án.
“Tôi nhận ra có thể phát minh ra những ngón ảo thuật riêng một cách dễ dàng”, Copperfield kể.
Dần dần, cậu bé Copperfield khiến bố mẹ và đám đông trong nhà thờ ngạc nhiên. Trước năm lên 10, tài năng nhí đã tổ chức những buổi diễn ảo thuật độc lập. Năm 12 tuổi, Copperfield là đại diện trẻ nhất gia nhập Hiệp hội các ảo thuật gia người Mỹ. Cậu bé, bên cạnh đó, khám phá ra rằng ảo thuật giúp mình vượt qua bản tính nhút nhát vốn có, để hòa nhập, thậm chí tán tỉnh các thiếu nữ.
Ở tuổi 16, Copperfield đã đứng lớp Nghệ thuật Ảo giác tại ĐH New York. Nhưng dạy học chưa bao giờ là một công việc mang lại nhiều hứng thú với ảo thuật gia này, bởi chỗ dành cho cậu là trên sân khấu, nơi có những màn hình lớn.
Nghệ danh “Davino cậu bé ảo thuật” gắn bó từ thuở lên 10 được đổi thành David Copperfield năm chàng trai 18 tuổi. Cái tên lấy theo nhân vật trong tiểu thuyết “The Life of David Copperfield” của nhà văn Charles Dickens mang sắc thái bí ẩn hơn. Copperfield sắm vai chính khi bước ra sân khấu lần đầu với nghệ danh mới, trong vở nhạc kịch “The Magic Man” ở Chicago. Niềm đam mê kịch nghệ kể từ đó được nuôi dưỡng khiến Copperfield sau này có thể diễn bền bỉ tới 4 show một ngày và 500 show ảo thuật mỗi năm.
Ảo thuật gia biết kể chuyện
Giới làm truyền hình không mất nhiều thời gian để khám phá ra tài năng David Copperfield. Năm 1977, kênh ABC đã đưa chàng trai 21 tuổi về “chủ xị” show ảo thuật của mình. Nhưng thứ đưa tên tuổi Copperfield xuyên biên giới là dự án trình diễn ảo thuật quy mô lớn trong thập niên 80-90.
Năm 1983, trước hàng triệu khán giả theo dõi truyền hình trực tiếp và 20 nhân chứng ngồi tại hiện trường, David Copperfield khiến thế giới ngạc nhiên khi làm biến mất tượng Nữ thần Tự do. Giải thích màn trình diễn, ảo thuật gia Mỹ muốn mọi người hình dung viễn cảnh ngày nào đó mất đi sự tự do.
Bộ sưu tập ảo thuật “hạng nặng” của Copperfield thêm những tiết mục khó tin như Làm biến mất máy bay, Bay qua Grand Canyon, Đi xuyên Vạn Lý Trường Thành, Cưa người, Lao mình xuống thác nước Niagara, Đi từ Tennessee đến Hawaii sau vài giây… Việc biểu diễn trên sóng trực tiếp khiến Copperfield càng được thán phục.
Copperfield không lấy cảm hứng từ chính giới ảo thuật. Thay vào đó, Copperfield chịu ảnh hưởng của huyền thoại diễn viên/ca sĩ dòng phim ca nhạc những năm 1950 như Gene Kelly và Frank Sinatra. Ông đồng thời học hỏi nghệ thuật làm phim của các đạo diễn tài ba. Theo đuổi những hình mẫu trên màn bạc và rạp hát, phong cách của Copperfield được xác lập kết hợp kể chuyện với ảo thuật.
Diễn xuất trước đám đông khiến ảo thuật gia nhận ra khán giả là những người giữ lửa cho mình. Ông từng nói: “Họ ấm áp, quan tâm và thực sự đón nhận tôi”. Đổi lại, Copperfield muốn dành cho khán giả thứ ảo thuật có cảm xúc và thông điệp.
Ông đem đến ảo thuật những gia vị lạ như lãng mạn, tự sự và những nút thắt. Trên sân khấu hay trước ống kính, khi không thể hiện lối trò chuyện, dẫn dắt khéo léo, ánh mắt, có khi là những điệu nhảy, của Copperfield có sức mạnh nói thay. Người ta ít thấy ông khoác lên mình áo đuôi tôm hay mũ ảo thuật gia.
Những yếu tố trên khiến người hâm mộ qua vài ba thập kỷ vẫn đón xem David Copperfield trên truyền hình hay xếp hàng mua vé tour lưu diễn và show tại Las Vegas của ông. Ở tuổi cao, Copperfield làm đều đặn hơn 500 show mỗi năm.
Tuy nhiên, để một ảo thuật gia đứng vững với nghề hàng chục năm và năm qua chạy trơn tru 670 buổi biểu diễn tại khu sòng bạc Las Vegas, ngoài những kỹ xảo bậc thầy còn có hai nguyên tắc khắt khe: kế hoạch phòng bị và sự tuyệt mật.
Khi được hỏi có bao giờ xảy ra sơ suất trong show của mình, Copperfield đáp: “Lúc nào cũng có”. “Chìa khóa là để cho khán giả không bao giờ biết, vậy nên tôi luôn có kế hoạch B cho mọi tiết mục”, ông có lần chia sẻ với Scholastic.
Có hẳn một luồng dư luận phỏng đoán bí mật đằng sau mỗi pha ảo thuật đóng mác David Copperfield. Nhưng phải đến gần đây, người ta mới được nghe đích thân chủ nhân của chúng phơi bày cách thức “xào nấu” một màn trình diễn nổi tiếng.